Click Theo Dõi -> Fanpage Để Cập Nhật Truyện Ngược Về Thời Minh
Trong ty Lễ Giám, tại phòng của công công Vương Nhạc, bốn đại thủ lĩnh thái giám và Phạm Đình đang ngồi ở ghế dưới, mỗi người một vẻ mặt, không khí trong phòng ngột ngạt lạ thường. Vương công công đưa ngón tay chấm chút nước sạch day day khoé mắt khô khốc, run rẩy nói:
- Mấy người các ngươi đâu cần phải lo lắng như vậy chứ? Phải nói, dù sao Dương Lăng này và chúng ta đều có chung cội nguồn. Tuy rằng thế lực hiện tại của y phát triển rất mạnh, nhưng thuỷ chung không có ý đụng chạm với Đông xưởng và ty Lễ Giám chúng ta, có phải các người hơi phóng đại không?
Từ sau lần hút chết trong "vụ án phong thuỷ của Đế Lăng", Đới Nghĩa đã hận Vương Nhạc đến thấu xương và cũng đã sớm nảy sinh hiềm khích với hảo hữu khi xưa là Phạm Đình. Lão và Dương Lăng cùng là đại thần đốc tạo Thái Lăng, đôi bên đã có chút giao tình. Quan trọng hơn chính là, giữa bọn họ còn có một bí mật trọng đại cùng ảnh hưởng đến sống chết của hai người. Dựa vào cái bí mật này, lão đã có thể ngồi với Dương Lăng trên cùng một con thuyền, cùng y có phước cùng hưởng, có hoạ... thì xin cho miễn đi nhé.
Cho nên, việc Dương Lăng bắt đầu xây dựng thế lực riêng cho mình, hơn nữa phát triển nhanh chóng dị thường, đứng vào vị trí của lão mà xét thì chỉ có lợi mà không hề có hại. Vì vậy, vừa nghe Vương Nhạc phản đối, Đới Nghĩa lập tức theo đuôi, chế nhạo:
- Nói đúng lắm, có phải lão Phạm đã bắn tiếng doạ nạt quá rồi không? Ông nhìn cái đám người mà y dùng xem, ngoài mấy tên lính to đầu không biết chữ ra, còn có kẻ tài ba nào chứ?
- Cũng chỉ có một huyện thừa già bất đắc chí, một Ngô thiên hộ quanh năm ở tái ngoại thu mua hàng da, còn có gã Vu Vĩnh đó nữa... Ha ha. Nghe nói con gái hắn tóc vàng mắt xanh, rất là xinh đẹp, Vu Vĩnh muốn gả hai đứa con gái của gã cho Dương Lăng làm thiếp mới kiếm chác được chức Nhị bộ đầu ở Nội xưởng. Người mà Dương Lăng dùng, Ngô Kiệt thì xuất thân từ Cẩm Y vệ, Vu Vĩnh và Vương công công lại có quan hệ thân thích, ông nói Dương Lăng sẽ gây bất lợi cho chúng ta sao?
Trương Thọ cười thâm độc, nói:
- Đới công công! Cũng bởi chính vì chúng ta nghĩ như vậy nên mới bỏ qua cơ hội tốt nhất để áp chế y. Giờ đây y đã mọc đủ lông đủ cánh, ta thấy dã tâm của y rất lớn, tuyệt không giống nhân vật yên phận thủ thường. Ty Thuế Giám khống chế bảy thành thuế của triều đình, một khi nắm giữ được nó, chẳng những lập tức sẽ dưới một người, trên vạn kẻ, thậm chí cũng sẽ có một phần thế lực ngoại triều phải khuất phục dưới trướng của y.
- Chỉ cần ông đứng nơi đầu ngọn sóng của con đường quyền lực này, cho dù bản thân không muốn, cũng sẽ phải lên tới nơi cao hơn, bằng không ông chỉ có nước chìm xuống, thậm chí mọi thứ hiện có cũng giữ không nổi. Dương Lăng có thể không động tâm với ty Thuế Giám sao? Khà khà, tuổi trẻ đắc chí, vận khí đang rất tốt, ông cho rằng y sẽ đi ngược dòng nước chảy xiết ư? Đợi đến khi y đã gom góp đủ lực lượng rồi, đám lão già sợ chuyện chúng ta sẽ bị y coi như cái gai trong mắt cần phải nhổ sạch đi!
Phạm Đình nói với Vương Nhạc:
- Công công! Trương Thọ nói thực không sai. Khi Hoàng Thượng bổ nhiệm thái tử, mấy tên Lưu Cẩn và Cốc Đại Dụng chỉ biết hầu hạ, nói chuyện rất có chừng mực. Khi tân Hoàng vừa kế vị, bọn chúng vẫn yên phận thủ thường, thế mà hôm nay cũng đã dần dần nổi tâm tư.
- Khi Mã Vĩnh Thành nhậm chức tổng quản mua sắm phủ Nội vụ, Nguỵ Bân nắm giữ Kính Sự phòng, Trương Vĩnh vào Ngự Mã giám thì Lưu Cẩn và Cốc Đại Dụng thấy vậy thèm thuồng, suốt ngày xúi giục Hoàng Thượng cho bọn chúng cái chức tốt đấy. Lòng tham con người vô đáy, đừng thấy bọn chúng bây giờ chưa nên trò trống gì mà xem thường, trước tiên muốn tiền rồi sau đó sẽ muốn quyền, có được quyền rồi sẽ lại muốn quyền to hơn, có rất nhiều người đang nhòm ngó mấy chiếc ghế của ty Lễ Giám này lắm đó. Bọn chúng và Dương Lăng giao tình thắm thiết nên tôi vẫn luôn e ngại rằng, Dương Lăng lần lữa không hành động có phải là vì y muốn cùng bọn chúng nội ứng ngoại hợp hay có mưu toan gì đây.
Vương Nhạc nghe vậy thì hơi động tâm. Lưỡng lự một chút, ông ta quét mắt nhìn từng khuôn mặt của mấy người thân tín rồi hỏi:
- Sao? Thực sự có kẻ dám hất đổ mâm cơm của chúng ta hay sao? Ừm... vậy các ngươi nói, ta phải làm sao đây? Chúng ta đều làm việc cho Hoàng Thượng, mấy người các ngươi và Miêu Quỳ cứ đấu đá nhau suốt, ta thấy mà phiền lòng. Không lẽ lại ra tay với Dương Lăng nữa sao?
Lý Vinh nãy giờ vẫn không hé môi bỗng chậm rãi lên tiếng:
- Vương công công! Bây giờ chúng ta không ra tay, người ta sẽ ra tay trị chúng ta đó. Lão nhân gia người trực tâm nhân hậu, chúng tôi cũng không muốn tranh đấu sống chết với Nội xưởng, khiến ngoại triều nhìn vào cười nhạo chúng ta. Tôi đã nghĩ được một biện pháp có thể kìm nén nhuệ khí của Dương Lăng, khiến y không dám mặc sức phô trương như vậy nữa. Không biết công công thấy sao?
Vương Nhạc mừng rỡ:
- Vậy thì tốt, vậy thì tốt! Mau nói ra nghe thử xem.
Lý Vinh lấy từ trong ống tay áo một phong hàm, cười nói:
- Công công! Biện pháp của tôi rất đơn giản: “lạt mềm buộc chặt!”
Phạm Đình sốt ruột giục:
- Thôi ông đừng làm khó nhau nữa! Mau nói đi, thế nào là lạt mềm buộc chặt?
Lý Vinh từ tốn giải thích:
- Giao ty Thuế Giám cho Dương Lăng.
Lời vừa thốt ra, Phạm Đình và mấy thủ lĩnh thái giám liền giật nẩy mình, ngay cả Vương Nhạc cũng ngạc nhiên trợn trừng cặp mắt già nua. Lý Vinh giảo quyệt nói tiếp:
- Các ông không phát hiện sau khi tin tức ty Thuế Giám sẽ do Nội xưởng quản lý được truyền ra, sự hiếu kính của bọn thuế giám trấn thủ các nơi đã giảm đi một nửa, thậm chí cả tiền thuế thường ngày nộp lên cũng ba lần bảy lượt thoái thác, chần chừ không chịu giao hay sao?
Hà Trường Xuân phẫn nộ:
- Đám tiểu nhân nịnh hót đó, nếu không phải nhờ chúng ta tiến cử, bọn chúng có thể kiếm được công việc béo bở này sao? Bây giờ bọn chúng thấy gió buông buồm, kẻ nào cũng đều đứng xem chừng, thật đáng băm vằm trăm mảnh!
Lý Vinh cười hắc hắc nói:
- Bọn chúng còn có thể chần chừ do dự với chúng ta, huống hồ là một tên Dương Lăng không biết gốc rễ. Tên trấn thủ Thuế giám Bốc Đắc Nghĩa mà chúng ta cắt cử ở Gia Hưng có trao cho tôi một phong mật hàm, nói rằng ba vị thuế giám trấn thủ ở Tô Hàng (Giang Tô, Tô Châu và Hàng Châu - ND) lén trưng thu gấp đôi thuế quan, toàn bộ cất cho bản thân dùng, hơn nữa hình như bọn chúng còn có những hành vi phạm pháp khác. Tôi vốn định răn đe bọn chúng một chút rồi thôi, nhưng chi bằng bây giờ chúng ta lấy sự việc này ra mà sử dụng.
Lão thấy mọi người đều có vẻ hơi khó hiểu, bèn vội giải thích:
- Chúng ta lập tức giao ty Thuế Giám ra, chỉ cần y vừa tiếp nhận, lập tức nhờ ngoại thần trình bức hàm này lên cho Hoàng Thượng. Y làm tổng quản ty Thuế Giám, vậy y có xử vụ án này hay không? Xử ư, thuế giám trong thiên hạ ai mà không giở trò phạm pháp. Mọi người sẽ đều e sợ, chúng ta chỉ cần xúi giục thêm một chút thì y sẽ không thu được thuế. Năm nay tiền bạc của triều đình tiêu hao như nước, thu không được thuế, triều đình sẽ không có bạc, không có bạc thì làm được chuyện gì đây?
- Y không quản nổi ty Thuế Giám, lúc ấy sẽ xử làm sao? Ha ha ha... nếu như công công của nội triều vi phạm pháp luật, ty Lễ Giám có quyền vạch trần tố giác. Vậy y không cai quản, dung túng cho mấy kẻ đó phạm pháp thì quan viên ngoại triều cũng không thể đứng nhìn. Chỉ cần chúng ta đệ trình chút chứng cứ, y sẽ tự xử trí thế nào? Huống chi... tôi nghe nói, ba đại thuế giám trấn thủ Tô Hàng đều giao du mật thiết với Thục Vương. Chỉ cần Dương Lăng dây vào...
Thục Vương - Chu Nhượng Hủ là người giàu có nhất trong số những phiên vương, đất Thục trù phú mà tám chín phần mười ruộng nương đều tập trung vào tay y. Vị phiên vương lắm tiền nhiều của này, Dương Lăng trêu nổi sao?
Phạm Đình hào hứng vỗ bàn khen:
- Hay! Kế này thật tuyệt. Chúng ta sẽ không tốn công sức bao nhiêu mà lại có thể khiến Dương Lăng biết được lợi hại của chúng ta. Vương công công! Đừng chần chừ thêm nữa, tiên hạ thủ vi cường đó!
***
Trên dòng sông nước chảy cuồn cuộn, một bầy nhạn lướt cánh bay qua nơi chân trời mênh mông. Hoa màu đã bắt đầu chín tới trên đôi bờ bình nguyên, những người nông dân cần cù đang phơi tấm lưng trần ngăm đen vung cào xới ruộng. Từng giọt, từng giọt mồ hôi của họ đang nhỏ xuống mảnh đất phì nhiêu.
Gió khẽ thổi qua khiến những bọt sóng nhảy lăn tăn trên mặt nước. Từng tiếng ca vang vọng hòa cùng thanh âm vui vẻ nói cười của những ngư dân đang tung lưới xuống sông.
Đại Vận Hà(5) có bờ Bắc ngăn kinh sư, bờ Nam kéo dài đến Hàng Châu. Song bởi hướng chảy vô thường, Đại Vận Hà này cũng không phải thẳng dòng từ Nam đến Bắc mà là nối liền hệ thống sông ngòi các nơi, cho nên dòng chảy quanh co uốn khúc, khi thì hướng Nam lúc thì hướng Đông.
Có chiếc khoái thuyền một cột, thân thuyền được sơn đỏ đang ngược dòng chạy lên. Thuyền chạy cực nhanh. Đây là một chiếc dịch thuyền (thuyền của trạm dịch) chở được khoảng sáu mươi người, đồng thời có khoang hàng để chở thêm một số vật phẩm trọng yếu. Loại dịch thuyền này khi thuận gió thì giương buồm, nghịch gió thì dùng chèo, trên thuyền có chuẩn bị từ tám đến mười hai mái chèo; dân gian thường gọi nó là "thuyền thoi con rết".
Trên sông nước, phàm là thuyền chài, thuyền buôn trông thấy con thuyền thoi màu đỏ của trạm dịch đều phải mau chóng tránh sang một bên. Quy định của quan phủ là mọi thuyền bè vận chuyển trên sông đều phải nhường đường cho khoái thuyền chuyên trách của trạm dịch.
Khoái thuyền chạy qua một cái ghềnh hình tam giác, chợt có người la lên:
- Dịch thừa đại nhân! Phía trước có ba chiếc thuyền lớn, mau báo đáy thuyền (những tay chèo ngồi ở đáy thuyền) giảm tốc nhường đường!
Đang rót rượu độc ẩm trong khoang, dịch thừa vận chuyển đường sông của Đức Châu, Sơn Đông là An Đạt Sung - An đại nhân nghe tiếng lật đật chạy lên đầu thuyền, cười mắng:
- Thấy ma cái con mẹ ngươi rồi à, thuyền chúng ta là thuyền gì chứ? Còn nhường đường cho người khác cái con mẹ gì, rắm cái con mẹ ngươi cứ đánh mãi thế.
Tên dịch tốt đứng đầu thuyền nọ đỏ mặt đáp:
- Đại nhân, nhưng mà thuyền này, chúng ta... chúng ta phải nhường đường cho người ta ạ!
- Hả?
An đại nhân vội vã vịn vào mạn thuyền, giương cặp mắt say xỉn lờ đờ nhìn về phía trước. Lão thấy trên mặt nước bao la, ba chiếc thuyền bốn buồm to lớn, một trước hai sau, giăng đủ mười hai cánh buồm, căng gió lướt đến. Sau thuyền là một dải sóng bạc, từ xa nhìn lại thấy khí thế thật kinh người.
Thuyền lớn chạy nhanh hơn chiếc khoái thuyền của trạm dịch gấp ba lần. Chiếc đầu tiên mới vừa rẽ qua khúc cong phía trước, trên thuyền trang trí hoa lệ, hai bên mạn thuyền cao lớn mở ra chi chít mấy chục ô cửa nhỏ chống chèo. Đầu thuyền dựng ba cột cờ cao sừng sững, chính giữa là một lá cờ thêu hoa văn hình rồng cuộn màu vàng óng ánh.
An Đạt Sung giật thót mình, men rượu lập tức vơi đi mấy phần. Long kỳ màu vàng cao quý của thiên tử, chỉ có nhân viên hoàng thất Đại Minh hoặc khâm sai phụng chỉ mới có quyền treo. Đây là thuyền của ai đến vậy?
Lại thấy hai bên long kỳ mỗi bên treo một lá cờ, bên trái là cờ tam giác lớn, đỏ thẫm như máu, chính giữa là hình phi hổ thêu bằng tơ đen, trông giống quân kỳ nhưng lại hơi khác một chút. Trên cột cờ bên phải là một lá cờ lớn màu xanh sẫm, trên viết một chữ “Dương" to bằng cái đấu.
An đại nhân tuy không biết người đến là ai, song lại biết quyền uy của đối phương vượt xa dịch thuyền của mình. Hắn khiếp sợ co chân đạp mông tên dịch tốt một cái, mắng:
- Con mẹ ngươi, còn không mau xuống dưới bảo giảm tốc à? Bay đâu! Bay đâu, mau xoay bánh lái nhường đường!
Khoái thuyền con rết vội vàng lái sang một bên. Chiếc thuyền lớn ấy chạy lướt qua bên cạnh làm dậy sóng khiến cho chiếc khoái thuyền con rết lắc lư không ngừng, An Đạt Sung đứng bên mạn thuyền thắc mắc nhìn theo lẩm bẩm:
- Đến hành cung(6) à? Là thần thánh phương nào rời kinh vậy?
Trên chiếc thuyền thứ nhất, chiếc rèm cửa khoang được vén lên, một công tử tuấn tú, hoạt bát mặc trường bào màu vàng lợt, đầu đội khăn công tử bước ra. Mặt y như thoa ngọc, mày đen mắt đẹp, trên đai ngọc bên hông đeo một chiếc miếng ngọc bội như ý, lắc lư theo bước chân y. Phong thái như cây ngọc trước gió, nổi bật hơn người.
Hai bên đầu thuyền là hơn chục nha sai mũ nhọn áo đen, hông đeo phác đao(*) trông thấy y bước ra lập tức sụp gối quỳ xuống hô:
- Tham kiến xưởng đốc đại nhân!
(*: một loại binh khí cũ, lưỡi dài, hẹp, cán ngắn, sử dụng bằng hai tay)
Vị đại nhân này chính là Dương Lăng, xưởng đốc Nội xưởng quyền thế ngút trời. Y mở rộng lồng ngực, đón một làn gió mới trong lành thổi tới, không khỏi phấn chấn tinh thần. Dương Lăng khoát tay cho bọn họ đứng dậy, đoạn hỏi:
- Đã đến đâu rồi?
Một nha sai bước lên chắp tay thưa:
- Xin đáp xưởng đốc đại nhân, phía trước ba mươi dặm là đến mười hai liên thành của Đức Châu. Khi nãy chỉ huy sứ Lưu đại nhân của Đức Châu vệ đã được quân dịch báo tin, Lưu chỉ huy sứ đã đến bên tàu cung nghênh đại nhân rồi ạ.
Rèm khoang lại được vén lên, một thị nữ vóc dáng cao gầy, mặc quần áo màu xanh sẫm từ trong khoang bước ra. Gió mát lướt nhẹ qua thổi ống tay áo nàng phất phơ, áo khoác sau vai càng khiến nàng như sắp bay lên. Người thị nữ này chải mái tóc búi chẽ đôi đại biểu rằng hoa kia chưa chủ, chiếc eo thon được buộc chặt có vẻ như mảnh mai dễ vỡ trước cơn gió mạnh. Chiếc áo mỏng bị gió thổi ép sát vào người, lộ ra đường cong chắc nịch và ưu mỹ của song nhũ.
Mặc dù mặc đồ thị nữ, nhưng dáng đi của cô con gái này nhẹ nhàng uyển chuyển. Với dáng đi và cử chỉ ấy, khí chất phong tình, trang nghiêm lẫn tao nhã ấy, e rằng nhiều tiểu thư khuê các cũng tự thẹn không bằng.
Nàng mang một chiếc áo khoác dài màu đen có viền đỏ trên khuỷu tay, bước đến cạnh Dương Lăng, khoác lên vai y, nhẹ giọng nói:
- Đại nhân! Sắp xế chiều rồi, gió to và lạnh, đừng đứng ở đầu thuyền, tránh nhiễm phong hàn.
Dương Lăng quay đầu nhìn nàng. Từ lúc rời kinh, dọc đường đi phong cảnh tự nhiên nối tiếp nhau không dứt khiến người con gái chưa từng rời kinh sư này nhìn mà không kìm được vui thích. Lúc này trong đôi mắt sáng trong hiền lành của nàng vẫn còn thấp thoáng niềm hân hoan.
Dương Lăng cười nói:
- Không sao! Trong khoang nóng nực, chơi cờ lại toàn thua cô, ra ngoài xem phong cảnh tươi đẹp này cũng vui vẻ thoải mái hơn. Có điều cô mặc đồ hơi phong phanh, hay là cô vào khoang đi. Ta bệnh còn có cô chữa trị, nếu cô bệnh ta thực sẽ không biết phải làm sao đây.
Cao Văn Tâm nghe vậy thì cười duyên, chỉ lấy hai bàn tay mảnh mai siết chặt áo khoác lại, vẫn đứng sau lưng y. Dương Lăng nhìn hoàng hôn nơi chân trời đã biến thành sắc vàng óng ả, thở ra một hơi thật dài rồi nói:
- Còn có ngày để rong chơi ư? Vùng Giang Nam giàu nhất thiên hạ, thuế trong nước sáu, bảy phần mười là ở nơi này, không ngờ ba đại thái giám trấn thủ đồng thời bị người ta tố cáo bất tài tham ô, lại đúng một ngày sau khi ta tiếp nhận ty Thuế Giám. Rõ ràng đây là một nan đề ty Lễ Giám đã đưa ra cho ta. Chỉ mong chuyến đi này có thể giải quyết được chuyện này. Bằng không... Giang Nam không ổn định thì làm sao ta nắm vững được ty Thuế Giám đây?
Chú thích:(1) Tam Dương chỉ Dương Sĩ Kì, Dương Vinh và Dương Phổ, ba vị đại thần của vua Minh Anh Tông, phụ trách toàn bộ công việc nội các trong thời gian đầu.(2) Ám chỉ Dương Đình Hoà, Dương Nhất Thanh và Dương Lăng.(3) Lấy từ thành ngữ "Nhị đào sát tam sỹ" trích từ một điển cố thời Xuân Thu. Xin xem thêm ở đây (4) Liên doanh giữa nhà nước và tư nhân(5) Con kênh đào dài nhất thế giới(6) Cung thất bên ngoài kinh đô, để cho vua chúa trọ khi vi hành.Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau:
Ngược Về Thời Minh,
truyện Ngược Về Thời Minh,
đọc truyện Ngược Về Thời Minh,
Ngược Về Thời Minh full,
Ngược Về Thời Minh chương mới
Click Theo Dõi -> Fanpage để cập nhật website
Bạn đang đọc truyện trên 123truyen.vn , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!