Click Theo Dõi -> Fanpage Để Cập Nhật Truyện Ma Thổi Đèn
Lão chủ nhà không muốn lỡ thì giờ, bèn bảo anh con trai lập tức giết gà, con trai ông ta là một gã cục mịch to xác hơn ba mươi tuổi, tay trái anh ta đang túm chặt hai cánh con gà, tay kia cầm con dao phay đã hoen gỉ. Cách giết gà không nằm ngoài bốn chữ “một cắt một chặt”, đưa lưỡi dao kề sát cổ gà, cắt đứt mạch máu và khí quản, đợi cho máu chảy hết gà ắt tắt thở. Một chặt là dao phây chém xuống, chặt lìa cổ gà, nhưng gà trống là loài dũng mãnh vô song, nên tuy đầu đã rơi khỏi cổ nhưng phần thân không đầu vẫn nhảy nhót lung tung do các dây thần kinh trong cơ thể chưa chết hẳn, cảnh tượng thập phần máu me ghê rợn.
Đối với các gia đình sơn dân nông dân, giết gà giết ngỗng là việc hết sức bình thường, cứ nhìn dáng giết gà của con trai chủ nhà thì biết ngay anh ta định dung dao chém phăng đầu gà. Gà Gô và lão Trần đá mắt nhìn nhau, hai người họ muốn giành lấy con gà của lão chủ nhà chỉ là chuyện vặt, chưa cần nói đến cưỡng chế cướp không, chỉ cần đập ra một thỏi “đại hoàng ngư” lấp lánh vàng chẳng nhẽ lại không mua được. Nhưng thợ buộc lầu lấy đâu ra vàng thỏi, làm như thế chẳng hóa ra tự vạch áo cho người xem lưng, khó tránh lộ thân phận, đến nước này đành phải tùy cơ ứng biến, bước lên trước ngăn gã sơn dân kia giết gà.
Hai người họ là đầu sỏ đám trộm cướp lục lâm, chuyên giết người cướp của chứ đâu phải là phường cắp gà trộm chó tầm thường, tuy cải trang làm thợ buộc lầu nhưng tác phong cử chỉ vẫn không giấu được tướng tá lẫm liệt, lời tiện miệng nói ra cũng tự thấp thoáng khí độ trấn nhiếp.
Hai bố con chủ nhà năm lần bảy lượt bị họ ngăn cản không cho giết gà, tuy bực mình nhưng thấy lời nói cử chỉ bọn họ hiên ngang bất phàm, không dám tùy tiện nổi giận, chỉ trách rằng : “Thợ buộc lầu chúng mày thật không biết điều, con gà nhà tao cho ăn uống mới lớn từng này, muốn giết thì giết, muốn nuôi thì nuôi, làm thế nào là việc nhà tao, đến ông trời còn không quản được nữa là…”
Lão Trần thấy Gà Gô cứ nhất quyết mua bằng được con gà thì trong bụng đã hiểu tám chin phần. Gà trống vốn là khắc tinh của loài rết, hơn nữa con gà này lại tuấn kiệt phi phàm, chắc sẽ trấn nhiếp được con rết sáu cánh thành tinh dưới mộ cổ, có được con gà này nắm chắc đại sự sẽ thành, việc cần làm bây giờ là làm sao dọa gạ gẫm để bắt nó đi.
Lão đảo mắt một vòng tính kế, đoạn quay sang cười hì hì với chủ nhà, chắp tay nói: “Lần lữa cản trở việc của gia đình, hẵng xin lão trượng lượng thứ. Ba anh em chúng tôi đây vốn chẳng phải ruột rà, vì cùng sư môn nên mới kết thành sư huynh sư muội, bao năm nay vượt núi xuyên bản nương tựa lẫn nhau,ấy ngề buộc lầu làm kế sinh nhai, gặp phải thời buổi loạn lạc vẫn quyết không chia đàn xẻ nghé, ngụm nước chia ba, miếng lương khô bẻ đều. Chỉ vì năm xưa, trước bài vị Tổ sư gia từng cắt cổ gà, đốt vàng mã, kết nghĩa anh em đồng lòng đồng dạ, tuy không dám sánh với kết nghĩa vườn đào nhưng lời thề nguyền đến nay vẫn còn văng vẳng bên tai, có hoàng thiên hậu thổ, thần nhân chứng giám cho lời thề kê minh, nếu có chút nào bội phản, kết cục sẽ thê thảm như cái đầu gà bị chặt lúc đó, vì thế mà ba anh em tôi đồng lòng thề đến chết không ăn thịt gà, cũng không để người khác giết gà trước mặt mình, nếu gặp cảnh giết gà thì phải bỏ tiền chuộc mạng cho nó.”
Lão Trần bịa ra chuyện lời thề kê minh, sau còn giở mánh khóe quen thuộc, bảo con gà này có bộ lông ngũ sắc, mắt sáng như sao, quyết không phải vật tầm thường, nếu đem giết đi ắt sẽ xúi quẩy, nhẹ thì chiêu tai gọi họa, nặng thì trong nhà mất người, gặp họa đao binh. Cánh thợ mộc dựng nhà xưa nay nắm giữ bí thuật của Lỗ Ban, rất giỏi yểm thắng[25] tương trạch, còn biết bày trận bùa phép ở các cửa. Nghe nói có nhà đang rất giàu có, sau khi chuyển vào nhà mới gia cảnh cứ lụn bại dần, may nhờ cao nhân chỉ dạy mới biết trong lúc xây nhà mới, do ăn bớt tiền của thợ mộc nên bị họ bày trận áp thắng trong nhà, quả nhiên sau khi dỡ tường đào xuống bốn chân cột ở bốn góc thì thấy bên dưới chôn bốn cỗ xe ngựa chở đầy tiền đồng, tất cả được làm bằng giấy cứng, bốn cỗ xe quay về bốn hướng khác nhau, rất giống như đang chở tiền bạc của gia chủ ra khỏi nhà. Sau khi biết được bùa trận mà thợ mộc yểm trộm, gia chủ cũng không bỏ bốn cỗ xe ngựa giấy kia đi mà quay đầu xe lại, đem tài vật từ ngoài đổ về nhà, từ đó trở đi quả nhiên tiền tài như nước.
Đây chỉ là truyền thuyết dân gian nhưng chứng tỏ phép thuật của phường thợ mộc đã có từ xưa, cho nên bách tính không hế mảy may nghi ngờ chuyện thợ buộc lầu thông hiểu rất nhiều dị thuật. Lão Trần dựa vào đó mà hù dọa, lời nói có tình có lý, còn mang chuyện năm xưa ba sư huynh muội cùng lời thề kê minh ra nói, nói đi nói lại, rốt cuộc cũng chỉ vì một mục đích, là chuộc mạng cho con gà tướng tá bất phàm này.
Lão Trần học rộng hiểu nhiều, lý sự cao thâm, lại có tài tùy cơ ứng biến, có câu phú quý từ miệng hung cát từ tâm, nói bã bọt mép chỉ mong xoay chuyển được ý định của chủ nhà. Ai ngờ chủ nhà lòng gang dạ sắt, không xem lời lão ra gì, vẫn lắc đầu nói: “Phường dựng nhà chúng mày biết một mà không biết hai, giao con gà này cho chúng mày nghĩa là đổ hết tai họa cho chúng mày đấy, chuyện thất đức như vậy sao tao làm được? Con gà này không phải là gà mà là yêu vật, chúng mày sinh sau đẻ muộn lẽ nào chưa nghe câu “chó không quá tám năm, gà không qua sáu tuổi”?
Lão Trần và Gà Gô khi trước không hề nghĩ tới phong tục cổ xưa này, giờ nghe nói mới vỡ lẽ, “Ồ! Hóa ra giết gà là vì thế!” Thì ra chủ nhà vốn là môn đệ của Kim Trạch Lôi Đàn, vùng núi Tương Tây có hai Lôi Đàn lớn là Hồ và Kim, đều là những đạo môn tiếng tăm lừng lẫy. Hai môn phái này có cả đạo nhân và phương sĩ, giỏi bùa Thần Châu, mấy trăm năm nay mưu sinh bằng ngề bê nước đuổi thây hoặc trừ mê giải độc. Những năm gần đây giặc cướp nổi lên, cuộc sống lương dân không sao yên ổn, tình hình trong môn phái sa sút không được như xưa, những người lưu lạc tới núi sâu heo hút sống qua ngày như lão trượng đây không phải là ít. Ông ta tuy chẳng là gì trong Kim Trạch Lôi Đàn nhưng cũng thông hiểu một vài phương thuật, tuyệt đối tin vào thuyết Dịch Yêu.
Dịch Yêu là một cuốn cổ tập, bắt đầu được lưu truyền từ thời Tam Quốc Lưỡng Tấn, chuyên giảng về những hiện tượng yêu dị trên đời, cái gì là yêu? Dịch Yêu cho rằng không hợp với lẽ thường tất ắt sẽ là “yêu”, một khi có hiện tượng đặc biệt xuất hiện không hợp với lẽ thường, đó chính là điềm báo về thiên hạ đại loạn hoặc đại nạn cập kề. “Chó không quá tám năm, gà không qua sáu tuổi” là cách nói bắt nguồn từ cuốn Dịch Yêu, do ảnh hưởng tư tưởng mê tín phong kiến trong xã hội cũ mà nhân gian vẫn rất mực tin tưởng.
Câu nói này chỉ những loài cầm súc chó gà nuôi trong nhà đều không thể nuôi quá nhiều năm, bởi nếu để chúng sống quá lâu trong xã hội loài người, hằng ngày tiếp xúc với con người, tai nghe tiếng người nói, mắt quan sát nhất cử nhất động của con người, dần dần chúng sẽ thông hiểu tính người, sớm muộn cũng thành tinh thành quái, làm ra những việc xấu hãm hại con người.
Nghe kể rằng năm đó có một phú ông, con cháu tôi tớ đầy nhà, phú ông nuôi một con chó trắng, con chó này hiểu ý chủ nên rất được yêu chiều, hằng ngày không rời chủ nửa bước, chủ ra ngoài chơi cũng dẫn nó đi theo. Về sau lão phú ông đột ngột lâm bạo bệnh qua đời, sau khi chôn cất xong xuôi, người nhà không thấy con chó già của ông ta đâu nữa, mọi người tưởng con chó nhớ thương chủ, chủ nó chết nó cũng đau lòng bỏ đi hoặc chết ở đâu rồi, nên chẳng mấy để tâm.
Không ngờ đúng một năm sau ngày mất, một tối nọ lão phú ông đột ngột trở về, người nhà lúc đầu tưởng là quỷ nhập tràng nên ai cũng sợ, nhưng lại thấy lời nói cử chỉ của ông đều giống hệt như lúc sinh thời. Ông ta bảo một năm trước mình bị hôn mê ngất đi, nên mọi người cứ ngỡ mắc bạo bệnh mà chết, đem đi chôn sống, may sao cơ duyên xảo hợp, lúc đó có một đạo sĩ ngang qua mộ phần, cứu được ông ta, sau đó ông ta đi theo đạo sĩ du ngoạn khắp danh sơn ngũ nhạc, mãi hôm nay mới về đến nhà.
Người nhà thấy lão phú ông còn sống thì mừng lắm, ông chủ cũng hệt như trước, thói quen và khẩu vị ăn uống chẳng thay đổi chút nào, ban ngày xử lý mọi việc to nhỏ trong nhà, thưởng phạt phân minh ai ai cũng phục, tối đến lại ngủ cùng tam thê tứ thiếp, cứ như vậy suốt hơn nửa năm, gia tộc lại trở nên êm ấm hưng thịnh.
Đến hôm sinh nhật, cũng là ngày mừng thọ lão phú ông, buổi tối có tiệc đãi khách nên ông ta uống hơi quá chén, hơi men chếnh choáng ngủ gục ngay bàn. ỗng nhiên một cơn gió lạnh thổi ngoài cửa vào, đèn nến trong sảnh tắt ngấm, người hầu vội châm lại đèn định dìu ông chủ vào trong nghỉ ngơi. Nào ngờ đèn vừa sáng, chẳng thấy ông chủ đâu, chỉ có con chó già lông trắng đang cuộn tròn trên chiếc ghế bành ngủ say như chết, mùi rượu từ mõm nó phả ra nồng nặc. Tất cả những người có mặt đều tái mét mặt mày, bấy giờ mới biết lão phú ông đã chết từ lâu, nửa năm nay là con yêu quái này làm loạn trong nhà, bèn nhân lúc nó đang ngủ say dung dao chặt thành từng khúc, rồi đem đốt xác cháy thành tro.
Từ thời Tần Hán tới thời Lưỡng Tấn, những câu chuyện đại loại như thế này nhan nhản khắp nơi, không chỉ bách tính đinh ninh là thật mà bậc đại phu hễ mở mồm ra cũng hay nhắc tới. Những việc kì quái ấy được coi là điềm báo đặc biệt cho họa binh đao hoặc quân vương vô đạo. Mãi đến tận sau này, người ta mới thôi không nhắc tới nữa, nhưng chó mèo vịt gà nuôi trong nhà vẫn thường tránh không để chó nuôi quá tám năm, gà chăn qua sáu tuổi. Bởi nhiều người vẫn tin rằng nếu để chúng lại trong nhân gian quá lâu, hằng ngày chứng kiến mọi sự vật trong nhân thế ắt nảy sinh tư duy, chỉ cần vượt quá thời gian sáu năm tám tuổi, chúng sẽ có thể làm ra những việc tà ma người thường khó mà tin nổi, nhất định phải đề phòng, ngay Khổng Lão Phu Tử cũng nói “không thể làm bạn với súc sinh”.
Lão trượng ở bản Kim Phong nuôi con gà trống này đã gần sáu năm, dáng vẻ nó quả là tuyệt đẹp, năm đó trong bản gà đẻ nhiều trứng nhưng đều hỏng hết, nhà ông chỉ có mỗi một quả nở ra con gà trống này, những thứ khác đều là vỏ không. Nghĩ rằng con gà trống này là kết tinh của trời đất, nên ông ta yêu quý coi nó như báu vật, ngày ngày đều cho nó ăn những thứ ngon lành, con gà trống cũng không phụ lòng yêu của chủ, trong núi rất nhiều trùng độc và rắn hổ mang, là mối đại họa đối với sơn dân, con gà trống ngày đêm tìm bắt trùng độc dưới sàn nhà, khi trời tờ mờ sáng lại cất tiếng gáy vang, chuẩn xác còn hơn đồng hồ báo thức nên chủ nhà không nỡ giết. Có điều thời hạn sáu năm đã đến, để cho nó sống sợ không lành, thể theo lệ cũ, hôm nay trước khi trời tối nhất đ̏nh phải mang nó ra cắt tiết, bằng không gặp rắc rối thì hối cũng không kịp, vậy nên chủ nhà bèn cho nó ăn một bữa no diều, rồi mài dao phây thật sắc chuẩn bị giết gà.
Lão Trần rốt cuộc cũng rõ nguyên do, nếu đổi vào tình cảnh khác, tốt xấu gì chắc cũng lừa lấy được con gà trống này, nhưng gà qua sáu tuổi xưa nay vốn không lành, nếu để lại sẽ đem đến xui xẻo cho chủ nhà. Sơn dân Tương Tây nhất quyết tin như vậy, ông chủ nhà này tính tình lại có vẻ ngang ngược, không biết nói sao để ông ta hồi tâm chuyển ý? E dẫu đổi hai thỏi đại hoàng ngư ông ta cũng chẳng cần, nước bọt không có tác dụng thì phải giở thủ đoạn ra thôi.
Ý nghĩ vừa lóe lên, lão lập tức đánh mắt với Hồng cô nương. Hồng cô nương kín đáo gật đầu, cô ả rất giỏi món Cổ thái Hí pháp của Nguyệt Lương Môn. Trong Cổ thái Hí pháp có rất nhiều phương pháp bí mật tương tự như cạm bẫy, được gọi là “niêm, bài, hợp, qua, nguyệt, biệt, liên, khai”, trong đó quyết “nguyệt” là một phương pháp giống như thuật che mắt, người xem dù gần ngay trước mắt vẫn không phát hiện ra người dụng pháp thế nào để cắp núi qua biển, dời hình đổi vật. Nghệ nhân của Nguyệt Lương Môn giỏi nhất thuật này, chỉ cần Hồng cô nương ra tay dung thuật che mắt giấu ngay con gà ngay trước mặt cha con chủ nhà, thì dù cha con họ có mắt lửa ngươi vàng cũng không phát hiện ra cô ả làm thế nào, trơ mắt nhìn nhóm thợ mộc nẫng mất con gà, mà không tìm ra vật chứng thì có bắt bẻ bằng giời.
Hồng cô nương đang định động thủ thì thấy Gà Gô thu tay vào ống tay áo, chỉ để lộ ra hai ngón tay khẽ xua, đó chính là ám hiệu trong giới giang hồ, ý bảo cô ta và lão Trần chớ vội manh động, nếu để chuyện xảy ra ngay trong bản, tuy bọn họ có thể dễ dàng thoát thân, nhưng sẽ gay go tới kế hoạch trộm mộ cổ Bình Sơn.
Lão Trần và Hồng cô nương biết Ban Sơn đạo nhân hẳn có diệu kế, bèn án binh bất động, lẳng lặng quan sát, nửa vô tình nửa cố ý bước đến cạnh hai cha con chủ nhà, đợi lát nữa nóiãi mà ông ta vẫn không nghe, thì lập tức ra tay cướp lấy con gà, quyết không để hai cha con họ giết nó.
Gà Gô nói với lão chủ nhà: “Chó không quá tám năm gà không qua sáu tuổi, theo lệ cũ quả thật không sai, nhưng thiên hạ thiếu gì chuyện lạ,không nên theo lệ cũ mà lý giải mọi điều, tiểu tử bất tài, xin được nói lý để lệnh tôn không giết con gà này.”
Chủ nhà thấy Gà Gô thần thái ung dung, lời nói như phun châu nhả ngọc, bụng bảo dạ không nên thấy anh chàng này ít tuổi mà xem thường, nếu anh ta thật là thợ buộc lầu thì cũng quyết không phải hạng tầm thường, nhưng ông vẫn không tin anh ta có thể nói ra lời hay ý thật gì thuyết phục được mình, bất quá cũng chỉ như lão Trần kia, mở mồm là mấy câu lừa gạt giang hồ khí độc với chả ma thổi đèn, thôi thì cứ xem anh ta nói gì. Nghĩ vậy, ông liền bảo: “Thôi được, để tao nghe xem hậu sinh có cao kiến gì, nếu mày nói làm tao tâm phục khẩu phục thì con gà này sẽ tặng không cho mày. Thực lòng tao không nỡ giết nó, chỉ vì lệ cũ phải theo, tao làm sao cãi lại? Nếu mày không nói được thì đừng xía vào nữa nhé!”
Gà Gô sớm đã có chủ ý, không muốn giở thủ đoạn giang hồ ra lừa gạt sơn dân, chỉ đợi lão trượng nói ra câu này, hai người cụng tay giao ước. Đoạn đưa tay lên ôm con gà lông ngũ sắc trong tay chủ nhà. Con gà trống tuy chết đến đít, nhưng chẳng biết nó không hiểu hay không sợ mà chẳng thèm giãy giụa, vẫn giương mắt nghển cổ, thần thái uy dung, phong độ điềm tĩnh hiên ngang như đại tướng thống binh.
Gà Gô để mọi người nhìn kỹ con gà, rồi nói: “Chó không quá tám năm gà không qua sáu tuổi tuy là phong tục cổ xưa nhưng đến nay vẫn có nhiều người tin phục, đương nhiên không thể không theo. Phàm là gà nuôi trong nhà đều không thể để nó sống qua sáu tuổi, nhưng con gà này không phải là gà, nên không cần phải tuân theo lệ này.”
Ông chủ nhà nghe thế thì lắc đầu quầy quậy, lão Trần cũng thầm kêu khổ, nghĩ bụng: “Gà Gô ơi là Gà Gô, thế mà nhận làm thủ lĩnh Ban Sơn, lại đi nói con gà trống này không phải gà, không là gà thì là cái gì? Chẳng lẽ là chim? Đến trẻ lên ba còn không tin được thì sao thuyết phục được lão già này, xem ra phải theo lệ cũ của phường lục lâm chúng ta…thẳng tay mà bắt gà đi thôi.”
Gà Gô còn chưa nói xong, thấy mọi người đều có vẻ không tin liền nói tiếp: “Đã là gà thì mí mắt phải ngược với người, mí mắt của người nằm ở phía trên nên phần mí mắt có thể động đậy gọi là chớp mắt, còn loài gà mí mắt lại nằm bên dưới. Mọi người sao không để ý kỹ xem con gà trống này mí mắt thế nào?”
Chủ nhà trước nay không hề để ý việc này, nhưng người nuôi gà ai mà chẳng biết mí mắt của gà nằm ở dưới. Nhìn kỹ thì thấy con gà trống lông ngũ sắc đang nghển cổ này quả nhiên có mí mắt ở trên giống người, nếu không chú ý kỹ chắc sẽ bỏ qua chi tiết này, ngay cả lão Trần học rộng biết nhiều lẫn Hồng cô nương cũng đều cảm thấy kỳ lại, liền hỏi: “Thế là thế nào?”
Gà Gô nói: “Mí mắt như vậy chỉ vì nó không phải là gà.”
Câu trả lời này khiến mọi người vẫn lơ mơ mờ tịt, ơ hay, không phải gà thì là gì?
Gà Gô chẳng buồn làm vẻ thần bí nữa, nói thẳng luôn: “Tương Tây từ xưa đã có tô tem huyền điểu phượng hoàng, địa danh đặt ra cũng có liên quan về truyền thuyết phượng hoàng thời cổ, giống như huyện này gọi lả huyện Nộ Tinh. Nô Tinh chính là tượng phượng gáy, mí mắt con gà này nằm ở phía trên, lại them bộ lông ngũ sắc với móng vuốt ánh vàng, sao có thể là gà thường? Nó vốn chính là một loại phượng hoàng vô cùng hiếm, khắp thiên hạ này chỉ có huyện Nộ Tinh đất Tương Tây, gà Nộ Tinh!”
Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau:
Ma Thổi Đèn,
truyện Ma Thổi Đèn,
đọc truyện Ma Thổi Đèn,
Ma Thổi Đèn full,
Ma Thổi Đèn chương mới
Click Theo Dõi -> Fanpage để cập nhật website
Bạn đang đọc truyện trên 123truyen.vn , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!