Click Theo Dõi -> Fanpage Để Cập Nhật Truyện Ma Đạo Tình Kiếp (P2)
Lam Hi Thần không tin vào tai mình, vô thức lặp lại "Đính ước?".
Nhiếp Minh Quyết gật đầu, làm như vẻ hiển nhiên "Ta không phải đã nói, muốn ngươi làm thê tử của ta sao? Nghe nói nam nữ yêu nhau trước khi đợi lệnh song thân sẽ trao ước định vật làm tin, thì đây, ta trao cho ngươi chiếc đàn ngọc....". Lại cầm một bàn tay của y chỉ vào ngực trái của hắn, nói tiếp "Còn có chân tình kỷ vật làm tin. Như thế có đủ không?".
Lam Hi Thần đỏ bừng mặt, vội rụt tay lại, ấp úng nói "Thê..... thê tử? Thê tử gì chứ? Ai là thê tử của ngươi bao giờ?".
Nhiếp Minh Quyết thảng thốt "Ngươi không muốn? Ôi! Thật là uổng công! Tấm chân tình cùng sức lực làm tín vật ta đã bỏ ra như vậy, nhưng ngươi lại không cần, thế thì thôi, trả đàn lại đây để ta còn đi trao cho người khác".
Mắt thấy hắn vươn tay định cầm lấy cây đàn, Lam Hi Thần vội ôm chặt cây đàn vào lòng, lách ra khỏi người hắn ngồi lại ghế của mình, hắng giọng bảo "Không được! Đàn này ngươi nói là tặng quà sinh thần cho ta, cho nên ta nhất định phải giữ nó. Còn về cái gì mà định ước, ta mới không quan tâm".
Nhiếp Minh Quyết nhoài người tới, nhấn mạnh từng chữ "Nhưng mà ta lỡ nói với Đa Văn Thiên Vương, rằng mình khắc cây đàn này là để dành cho Thánh hậu tương lai. Đa Văn Thiên Vương chắc chắn sẽ lấy làm bất ngờ mà đem việc này đi hỏi Nguyệt lão, rồi thể nào Nguyệt lão cũng sẽ đem tin này bàn tán rộng rãi, chẳng mấy chốc người của Lục giới sẽ đinh ninh ai giữ Lưu Ly tỳ bà chính là Càn Khôn chi mẫu. Lúc đó mà xảy ra rắc rối thì đừng trách sao ta không nhắc ngươi trước đấy nhé!".
Bí thế, Lam Hi Thần cắn môi, vừa thẹn vừa giận, ngoác mồm nói "Hay lắm! Ta thực sự khâm phục sự tính toán có mục đích này của ngươi!".
Nhiếp Minh Quyết cười đến sảng khoái, sau đó chép miệng "Cho nên, không quan trọng ở chỗ đây là quà sinh thần, mà là giữ nó thì phải làm Thánh hậu song tu của ta. Giữ hay trả, ngươi nhanh nhanh quyết định đi".
Kỳ thực, Lam Hi Thần chưa bao giờ nghĩ qua vấn đề này, hiện tại vừa thẫn thờ vừa vui sướng, có chút không biết phải làm thế nào. Mãi một lúc mới rụt rè hỏi "Tạo sao lại là tỳ bà?", sợ câu hỏi của mình không rõ ràng, y bèn nói thêm "Người ta trao tín vật không phải khăn thì cũng là thoa là xuyến, không ngọc thì cũng nhà, không phải giao khúc thì cũng đề quạt thơ, chỉ có mỗi ngươi là người đầu tiên dùng nhạc cụ".
Nhiếp Minh Quyết chậm rãi nói "Thì ta đã nói ban đầu, một công đôi chuyện. Vừa là quà sinh thần, vừa là vật đính ước. Nói riêng về mặt quà tặng, sinh thần thì ai không muốn được tặng món quà mình thích nhất chứ? Ngươi không phải thích nhất chính là có một cây tỳ bà làm vật tùy thân ư?".
Lam Hi Thần kinh ngạc "Chuyện này làm thế nào ngươi biết được?".
Nhiếp Minh Quyết chống cằm "Lúc nhỏ quan sát, liền biết được thôi. Ngươi giữ Liệt Băng làm pháp khí, chẳng qua đó là kỷ vật mà phụ thân ngươi tặng cho, chứ không phải thứ mà ngươi thích, có đúng không?".
Lam Hi Thần khẽ khàng gật đầu, có chút buồn bã nói "Phụ thân thật ra cũng biết ta thích nhất là tỳ bà, nhưng lại có ý không muốn ta lưu bên người. Vì tỳ bà không giống các loại đàn khác, mỗi một cung âm nó phát ra đều ẩn chứa sự bi thương khổ não, dù có đang vui cũng vẫn phảng phất chút u buồn. Không bằng thất huyền cầm âm vang vừa tĩnh vừa uy, không như cổ tranh thoát biến thoát hóa, không giống nhị hồ tuy ảm đạm mà kinh động, càng không giống đàn không* réo rắt vui tai. Hơn nữa, thúc công cũng không thích tỳ bà, ông ấy nói tỳ bà thường dính dáng đến các hạng ca kỹ mua vui hoặc tài tử giai nhân mệnh bạc phận mỏng giống như nàng Vương Chiêu Quân, còn không thì cũng chẳng tốt lành gì đối với số phận người giữ đàn. Đối với người trong tiên môn thế gia mà nói, nếu để người khác nghe thấy e rằng không nhã chính, cho nên cũng không cho phép ta dùng tỳ bà làm pháp khí, chỉ nói học cho biết, cho thạo đủ cầm nghệ với người ta mà thôi".
*đàn không: còn gọi là đàn hạc, hay hạc cầm.
Nhiếp Minh Quyết cười nhẹ "Thật ra cũng dễ hiểu, thúc công vốn bọc ngươi rất kỹ, giống như chỉ hận không thể tìm cách tốt nhất để bảo vệ một viên ngọc quý, hẳn là sợ ngươi bị cái điều bi thương của tỳ bà làm liên lụy". Hắn thở dài "Chính vì vậy mà ngón đàn "Chiêu Quân tái thế" của ngươi, đến bây giờ trừ vị nhạc sư năm đó dạy ngươi ra, chắc chỉ còn mỗi một mình ta biết".
Lam Hi Thần chớp mắt "Ta còn một điều này thắc mắc: lúc đó học cầm nghệ, thúc công chỉ định ta học riêng trong Hàn thất, lại sắp xếp sao cho không một người để ý, đến cả Vong Cơ còn không biết ta thạo tỳ bà thì làm sao mà ngươi biết được chuyện này?".
Nhiếp Minh Quyết bẹo lên má của y, giả vờ trách móc "Ngươi quên rồi sao? Thời điểm ngươi học cầm nghệ, ta cũng đang nghe học ở Vân Thâm Bất Tri Xứ, quan trọng nhất là chỗ ta ở lại rất gần Hàn thất của ngươi. Từ cửa sổ bên chỗ ta, nhìn một chút, mặc dù hơi xa nhưng vẫn thấy rất rõ".
Lam Hi Thần "A" một tiếng, chợt nhớ ra đúng là thời gian đó chỗ ở của hắn khá gần Hàn thất, mà nhớ không lầm thì để được ở chỗ đó, Nhiếp Minh Quyết đã khiến cho một môn sinh đến từ thế gia hạng trung phải cuốn gói chạy về nhà từ đó về sau cũng không dám quay lại, về sau hắn cũng vì chuyện này mà trở thành một - trong - những - nguyên - nhân - xung - đột với Ôn Húc. Lúc đó y còn thắc mắc, chẳng qua chỉ là ở ba tháng, bọn hắn có cần phải kén chọn đến mức đó không? Ai ngờ, nguyên nhân Nhiếp Minh Quyết muốn được ở chỗ đó chính là "ta chạy qua hỏi bài ngươi cho nhanh", "ban đêm ta còn dễ mò qua rủ ngươi đi ngắm trăng, nếu đường xa quá, bị thúc phụ ngươi bắt được thì phải làm sao?", "hôm nào ta đói bụng, sẽ lén mang thức ăn qua cùng ngươi ăn đêm cũng thấy tiện", "nhỡ hôm nào ta đánh nhau với Ôn Húc mà bị thương, nửa đêm đau đầu hoặc rửa vết thương thì biết phải nhờ cậy ai ngoài ngươi?", "Ôn Húc rất xấu tính, lỡ ban đêm ban hôm hắn chạy qua chỗ ngươi bắt nạt ngươi thì ai mà xoay sở cho kịp? Ta phải ở gần đó để còn hỗ trợ ngươi chứ!".... Chỉ trách lúc đó Lam Hi Thần còn nhỏ nên không hiểu được nguyên nhân sâu xa, bây giờ biết được, thực sự vừa thích thú vừa tức cười. Y hỏi thêm "Có điều, cũng không phải là sát vách, thấy thì có thể thấy, nhưng ta không nghĩ rằng ngươi có thể nghe rõ mồn một lúc ta đàn".
Nhiếp Minh Quyết cười khan "Cái đó.... ngươi thực sự muốn biết".
Lam Hi Thần phấn khích gật đầu.
Nhiếp Minh Quyết đảo mắt nhìn chỗ khác, miễn cưỡng đáp "Thực ra là do ta lén nấp dưới chân cầu trước cửa Hàn thất, để vừa được nghe tiếng đàn vừa được ngắm trộm ngươi".
Lam Hi Thần mới đầu sửng sốt, sau đó suýt nữa không nhịn được cười, cuối cùng phải hít thật sâu để giữ bình tĩnh, tủm tỉm nói "Thì ra, cái bóng dưới chân cầu những khi đó chính là ngươi, trách sao lúc đó ta cảm thấy kỳ quái, rằng mấy con hạc tự dưng lại thay đổi thói quen không ở bên ngoài mà rúc vào chân cầu để ngủ". Đột nhiên, y lại muốn trêu chọc hắn "Không ngờ Nhiếp đại công tử oai phong lẫm liệt khi đó, lại lén la lén lút nấp dưới chân cầu trước cửa phòng của người ta. Nếu có người biết được mà mách nước, nói không chừng thúc phụ sẽ phạt ngươi chép gia quy cả tháng, chưa kể sẽ chọc cho Nhiếp lão tông chủ dù sau này ở dưới cửu tuyền cũng phải đội mồ sống dậy mất! Thể diện của Nhiếp gia còn đâu?".
Nhiếp Minh Quyết lườm yêu y một cái "Ta làm như thế, còn không phải vì ngươi?". Sau đó cường điệu than vãn "Mà cũng có gì to tát? Xưa kia "Vĩ Sinh ôm chân cầu đợi người yêu, nước ngập cầu kẻ si tình chết đuối"*. Ta mới có bị phạt với mất thể diện một chút, đã tính là gì đâu?".
*đây diễn từ điển tích "Vĩ Sinh bão trụ", kể về chuyện tình bi thương của chàng thư sinh họ Vĩ, tên Cao, người nước Lỗ thời Xuân Thu. Vĩ Sinh là người có học thức cao, hào hoa phong nhã, yêu một người con gái xinh đẹp tên là Thường Khanh nhưng gia đình cô gái không cho qua lại với Vĩ Sinh và ép phải gả cho một tên quan giàu có. Vì quá yêu nhau, Vĩ Sinh cùng Thường Khanh hẹn nhau bỏ trốn đến quê nhà anh ta tại Khúc Phụ. Hai người hẹn gặp nhau dưới chân cầu bên ngoài Hàn thành. Vào lúc hoàng hôn, Vĩ Sinh đến trước đợi. Chẳng ngờ đột nhiên mây đen kéo đến, cuồng phong nổi lên, sấm chớp đầy trời, mưa như trút nước, chẳng mấy chốc, nước dâng cao. Chưa gặp được cô gái, Vĩ Sinh không chịu rời đi, cứ ôm chặt lấy trụ cầu, cuối cùng bị nước dìm chết. Còn cô gái bị cha mẹ cấm cố trong nhà sau khi phát hiện chuyện bỏ trốn. Đợi lúc đêm tối, cô gái thoát ra được, xông vào cơn mưa chạy đến bên cầu. Lúc bấy giờ nước đã dần rút. Cô gái nhìn thấy Vĩ Sinh ôm trụ cầu chết, bi thương tột độ, liền ôm lấy thi thể Vĩ Sinh gào khóc, rồi cũng nhảy xuống sông tự vẫn theo. Câu chuyện này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và nhắc nhở những người yêu nhau phải biết giữ chữ tín.
Lam Hi Thần nương theo, tỏ ý thương cảm "Tội cho chàng thư sinh đa tình ấy quá!".
Nhiếp Minh Quyết tự chỉ vào mình "Thế còn ta? Ngươi một chút cũng không tội nghiệp cho ta?".
Lam Hi Thần áy náy hỏi "Nếu lúc đó trước Hàn thất không phải một cái hồ cạn, thì ngươi vẫn sẽ ôm chân cầu như Vĩ Sinh chờ chết đuối hay chăng?".
Nhiếp Minh Quyết nói "Không. Ta sẽ không ôm chân cầu chết đuối, nhưng sẽ chết vì mỏi mòn tương tư. Cố tình dọn đến gần phòng ngươi, ngày ngày ngóng trông nhưng đêm đêm chỉ thấy lòng mình rỗng tuếch cô đơn, nghe trong hồn từng réo của trái tim. Muốn gửi nhớ thương theo mây, mong gió dài mang tin. Nhưng mây gió của Vân Thâm Bất Tri Xứ cũng bị cổng cao tường kín chặn lại, cứ thoáng lặng lờ, để năm canh hồn ái chập chờn. So với việc ôm chân cầu, như thế còn chết sớm hơn nhiều, mà ngươi lại không một chút hay biết. Quả nhiên, người khờ dại rất tàn nhẫn!".
Lam Hi Thần nói "Ngươi trách móc ta đó sao? Thế thì cho ta xin lỗi, nhưng không phải ta cố ý muốn tàn nhẫn, mà tại vì lúc đó ta không có quyền để hay biết, bởi thúc công luôn kín kẽ dặn dò: chớ để tâm mọi thứ bên ngoài, những gì cần biết là nơi đình viện thâm sâu và tông môn lễ giáo. Cộng thêm thúc phụ nghiêm khắc, các vị trưởng bối thì lúc nào cũng nhìn chằm chằm, ta không thể tự mình quyết định mọi việc, kể cả dành thời gian để tìm hiểu xem vì sao lần đầu gặp ngươi ở Bất Tịnh Thế, lúc trở về tâm trí cứ mơ màng suy nghĩ đến ngươi. Liệu có còn gặp ngươi? Rồi làm sao để kết thân với ngươi? Đâu có biết ngươi cũng sầu khổ chứ!".
Nhiếp Minh Quyết nói "Đã biết là ta vì ngươi nên mới sầu khổ, vậy còn không mau bù đắp?".
Lam Hi Thần nói "Ngươi muốn bù đắp thế nào?".
Nhiếp Minh Quyết nói "Sẵn đây có cầm ngọc và chân tình, ta muốn nghe Chiêu Quân Khúc thiên hạ vô song cửa ngươi, để thỏa nỗi lòng tương tư thuở trước. Ngươi không biết đâu, nhiều hôm chực dưới cầu, trông lên ô cửa nhỏ, nghe cung điệu xuất thần mà lòng nao nao trăm mối. Bây giờ, ngươi phải đền bù sao cho vừa lòng ta mới được!".
Lam Hi Thần nói "Thực ra ta cảm thấy cầm nghệ của ta rất bình thường, đâu đến nỗi xuất thần như ngươi khen. Nhưng vì ngươi đã muốn, ta sẽ sẵn lòng đáp ứng. Có điều, đã lâu lắm rồi chưa từng chạm đến ngón đàn này, e là không còn được như xưa, ngươi nhất định không được chê cười đâu đấy!".
Nhiếp Minh Quyết nói "Chê làm sao được? Cười làm sao được? Ta còn cảm thấy vui mừng không kịp".
Lam Hi Thần nói "Vậy ngươi đợi ta so dây, rồi sẽ bấm cung phím". Nói rồi điều chỉnh dây đàn một chút, khi cảm thấy đã phù hợp, liền đưa ngón tay thon dài khua động dây đàn. Ban đầu nghe như tiếng suối reo, kế đó như gió thoảng, lúc ngân như chim nhạn kêu bầy đàn, lúc trầm như tiếng vó câu rong ruổi. Âm điệu du dương, thanh vận thanh oán, như cười như nói, như khóc như hờn. Toàn bộ cung âm như làm sống dậy cuộc đời của trang kiều nữ xa xưa, từ lúc còn là thiếu nữ khuê các cho đến khi làm Minh phi Hán quốc rồi lúc cuối cùng vùi thân nơi đất khách Hung Nô.
Nhiếp Minh Quyết để tai lắng nghe, lúc thì tấm tắc khen ngợi, lúc thì im lặng thở dài.
Lam Hi Thần gẩy mãi cho đến lúc sắc trời ngả màu vàng nâu mới dừng, nói rằng đã trọn khúc.
Nhiếp Minh Quyết nhẹ giọng "Bây giờ thì ta đã hiểu, tại sao cả Lam lão thái gia và Thanh Hành quân đều không muốn cho ngươi động đến tỳ bà. Tuy rằng vẫn trác tuyệt như lúc xưa, nhưng điệu điệu thê lương, tiếng tiếng ảo não, dù là tượng gỗ nghe cũng muốn vật vã thở than, huống chi là một người không thích âm luật như ta".
Lam Hi Thần cười trừ "Đấy! Giờ lại đến lượt ngươi sắp cấm đoán ta luôn rồi. Nhưng mà đàn đã tặng, không cho lấy lại đâu".
Nhiếp Minh Quyết lắc đầu "Ta không lấy lại, cũng sẽ không cấm đoán ngươi. Nhưng mà sau này đừng đàn khúc ấy nữa, vừa đứt ruột người ta, lại còn tổn thương lòng mình. Có thời gian thì phổ vài khúc dễ nghe hơn, lâu lâu đem ra đàn cho ta thưởng thức".
Lam Hi Thần suy ngẫm một chút rồi nói "Trước đây là vì ta mến mộ tài đức và cũng cảm thương cho số phận của Vương Chiêu Quân, nên mới có say mê học khúc phổ kia, vốn chỉ lo để ý giai điệu của nó có đủ làm người nghe liên tưởng được "lạc nhạn mỹ nhân" hay không, nào biết nó còn gây cảm giác oái ăm như vậy. Ngươi đã nói thế, thì sau này ta sẽ không gẩy nữa". Ngẫm nghĩ một chút rồi đặt tỳ bà lên bàn, chậm rãi lấy ra ống tiêu bạch ngọc dúi vào tay hắn, tươi cười "Nếu hôm nay ngươi đã tặng tín vật đính ước cho ta, thì ta cũng phải tặng ngược lại. Bây giờ ngoại trừ Băng Di kiếm, ta không có thứ gì đáng giá hơn Liệt Băng. Có thể ống tiêu bạch ngọc này giá trị không bằng nổi Lưu Ly tỳ bà, nhưng ta đã giữ nó từ nhỏ đến lớn, lại là kỷ vật của phụ thân ta để lại, ngươi tạm thời chịu thiệt đợi sau khi trở về Nhân giới ta sẽ tìm khác tốt hơn để bù vào, đừng vì thế mà giận ta nhé!". Lại ngẫm ra hắn không thích âm luật, nếu hiểu lầm y tặng Liệt Băng cho hắn là nói hắn cần phải nên học nhạc giống như y thì thật là không hay lắm, bèn bổ sung thêm "Thật ra ngươi chỉ cần giữ Liệt Băng tạm thời, có thể xem như thời tiết nóng nực, cầm nó cho mát tay cũng được".
Tuy rằng lúc nói câu cuối, y cảm thấy có chút không phù hợp, bởi vì trời lúc này đã bước vào tháng Bảy giữa thu, thời tiết mát lạnh, nếu gió thổi lớn hơn chút nữa có khi phải mặc thêm áo ấm chứ làm gì có nóng nực, nhưng y vẫn hy vọng hắn sẽ không chấp nhặt việc này.
Nhiếp Minh Quyết cầm Liệt Băng vuốt ve mấy cái, im lặng một lúc lâu mới chuyển tầm mắt sang nhìn lam y mỹ nhân, cười đầy ý vị "Tuy rằng ngươi vẫn còn một thứ còn đáng giá hơn cả Liệt Băng, à, phải nói rằng vô giá mới đúng, nhưng thôi không sao, ta sẽ đợi ít lâu nữa, để ngươi dùng thứ vô giá đó trả đầy đủ món nợ tình kiếp trước ngươi thiếu ta".
Lam Hi Thần bỗng nhiên rùng mình, cảm thấy nguy hiểm ngùn ngụt. Thứ vô giá để trả nợ đó chắc không phải là tim gan phèo phổi của y đi? Bởi vì chỉ có lục phủ ngũ tạng biểu tượng của sự sống mới là vật vô giá của con người. Mà nghe nói, những người thiếu nợ tình cảm thường phải là móc tim cắt ruột để trả. Tuy rằng đã thành tiên, nhưng mà việc này.....thực sự là khủng khiếp rồi!
Không phải chứ! Vô tâm để hắn tương tư có một kiếp, bây giờ đã phải trả món nợ lớn như vậy sao?
Nhiếp Minh Quyết cao hứng nhìn biểu tình tái mặt của y, trong đầu thừa biết con thỏ ngốc này nhất định lại nghe một đằng hiểu một nẻo, nhưng lại không hề có y muốn giải thích.
Sáng sớm tinh mơ của ngày hôm sau, mọi người đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị "một bước lên trời". Nhưng có hai điều đặc biệt là: trước khi đi, Nhiếp Minh Quyết cho vời ba người Tống Lam, Giang Trừng cùng Ngụy Vô Tiện vào Tiêu Thái điện nói gì đó, lúc đi ra thì hai người Giang Trừng - Ngụy Vô Tiện cạnh khóe nhau không ngừng, còn Tống Lam thì vẫn bình đạm như mọi khi, hoặc có lẽ vì Duyên La không được cho đi theo nên hắn cảm thấy được an tĩnh không ít. Chuyện thứ hai là Lam Hi Thần không cần phải ngự mây như những người còn lại, cộng thêm có Hãn Lương Ngọc bên mình nên hai người bọn y được phép ngồi chung trên tọa kỵ.
Ban đầu, Lam Hi Thần muốn từ chối vì nghĩ rằng tọa kỵ kia vốn là của Nhiếp Minh Quyết, dẫu sao thì thân phận của hắn bây giờ vô cùng cao quý, thế mà phải ngự mây còn cho "thủ hạ" như Lam Hi Thần ngồi thì trong mắt chư tiên khẳng định rất không hợp lý.
Nhưng sự thật thì tọa kỵ kia không phải Thủy Kỳ Lân, mà là một vật rất lớn, cao ngang ngửa Thủy Kỳ Lân, từ đầu xuống đuôi toàn là lông non màu lam xanh biếc, khiến cho nó giống gà nhiều hơn giống chim. Không biết tại sao, Lam Hi Thần thấy con vật kia nhìn lạ lạ, mà lại quen quen. Vì nhịn không nổi hiếu kỳ, cho nên trên đường bay xuyên qua đám mây đến Thượng Dương cung của Tây Vương Mẫu để dự yến Diêu Trì Bàn Đào hội, Lam Hi Thần quay qua hỏi Nhiếp Minh Quyết "Con gà lớn này từ đâu xuất hiện thế?".
Tọa kỵ chở y trên lưng vì câu hỏi này mà suýt nữa đâm đầu vào vách núi Côn Luân.
Nhiếp Minh Quyết phì cười "Nó không phải là gà, nó là thánh điểu Lam Phù, ấu nữ của Phượng Hoàng và cũng là bách điểu chi quân".
Câu trả lời khiến cho Lam Hi Thần suýt nữa ngất xỉu.
Lam Phù! Ôi trời! Thì ra con gà, à không, con chim lớn nhìn như gà này chính là Lam Phù.
Lam Hi Thần sẽ không bao giờ quên được nỗi ám ảnh mà con vật này gây ra cho mình. Lần đó, vì mạo hiểm muốn lấy đá ngọc anh về tạ tội với Nhiếp Minh Quyết mà y đã bị nó một cánh hất không thương tiếc trên những vách đá bén nhọn, thậm chí vết sẹo trên tay bây giờ vẫn còn hằn in rành rành, mỗi khi nhớ về đều rùng mình kinh sợ. Hiện tại, Lam Hi Thần đang ngồi trên lưng nó, chắc nó sẽ không nhận ra y chính là tiểu hồ ly trộm đá năm xưa rồi hất bay y xuống luôn đi?
Cái này có được xem là oan gia ngõ hẹp không?
Hãn Lương Ngọc ngây ngô hỏi "Đế quân, con vật này thực sự là thánh điểu Lam Phù? Lúc còn ở Bách Quỷ giới, tuy ta không hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng cũng có nghe nói thánh điểu Lam Phù này luôn luôn ở tại chỗ ở của nó là đảo Vạn Điểu trông coi toàn bộ đá quý châu báu của thế gian, không bao giờ bay đi nơi nào khác trừ phi nó bị chọc giận, vả lại bộ lông nó.... nó.... cũng không xấu như thế này?".
Con vật dường như không chịu nổi đả kích khi bị nói là xấu, nó lắc mình một cái, chuẩn bị đem hai người một lớn một nhỏ trên lưng hất bay xuống dưới lớp mây, còn rơi xuống đâu thì mặc kệ.
Nhiếp Minh Quyết hắng giọng, giống như đang cảnh cáo con vật phải biết ngoan ngoãn phục tùng, sau đó nói với Hãn Lương Ngọc "Không sai! Nó đúng là Lam Phù, nhưng từ giờ nó sẽ không cần ở lại đảo Vạn Điểu nữa mà sẽ đi theo sư phụ ngươi làm tọa kỵ. Còn bộ lông của nó, bản quân thấy đẹp nên nhổ trụi rồi".
Hãn Lương Ngọc trợn mắt "Nhổ trụi á? Nhưng Phượng tộc trân quý nhất chính là lông vũ..........".
Nhiếp Minh Quyết ung dung đáp "Ngươi không phải lo! Chẳng bao lâu nữa lông vũ của nó sẽ tự động mọc lại. Huống hồ, nhổ trụi lông của nó có hai mục đích. Một là dùng vào việc quan trọng của bản quân. Hai là để cánh cáo nó không được ngông cuồng kiêu ngạo, tránh để nó khó thuần làm bị thương sư phụ của ngươi".
Hãn Lương Ngọc thích thú vỗ tay "Tuyệt quá! Có thể ngồi trên lưng của bách điểu chi quân cao quý thì còn gì bằng? Sư phụ, sau này ngươi đi đâu nhất định phải mang ta theo, để ta còn được ngồi ké trên lưng Lam Phù nữa".
Lam Hi Thần nhìn thấy con vật hơi quay đầu ném cho bọn y một cái nhìn đầy oán trách thì tái mặt, líu lưỡi nói "Minh.....Minh Quyết..... thiếu gì con vật mà ngươi lại chọn nó làm chi?".
Nhiếp Minh Quyết nhún vai "Đơn giản thôi: vì ta chướng mắt nó".
Còn nguyên nhân vì sao chướng mắt thì hắn không nói, cũng không có ai biết.
Chính Chương Thánh đế, luôn luôn thần thần bí bí như vậy!
Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau:
Ma Đạo Tình Kiếp (P2),
truyện Ma Đạo Tình Kiếp (P2),
đọc truyện Ma Đạo Tình Kiếp (P2),
Ma Đạo Tình Kiếp (P2) full,
Ma Đạo Tình Kiếp (P2) chương mới
Click Theo Dõi -> Fanpage để cập nhật website
Bạn đang đọc truyện trên 123truyen.vn , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!